XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC MỞ TRÊN QUAN ĐIỂM KINH TẾ SINH THÁI - KINH TẾ TRI THỨC

Thứ sáu - 25/05/2018 23:52

LTS: Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia về “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế” có đăng bài của Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Cao Văn Phường về “Xây dựng nền giáo dục mở, mở để học, học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở”. Bài viết của Giáo sư đã đưa ra nhiều luận điểm mới về xây dựng nền giáo dục mở từ Triết lý, Mục tiêu, Nội dung, Phương pháp trên quan điểm kinh tế sinh thái, đây là những vấn đề được xã hội quan tâm. Để hiểu rõ thêm về những vấn này, Nhà báo (NB) Đoàn Xuân Trường, Tạp chí Giáo dục và Xã hội có cuộc trao đổi với GS.VS Cao Văn Phường. Dưới đây là nội dung của cuộc trao đổi, Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

NB.Đoàn Xuân Trường: Xin chân thành cám ơn GS đã nhận lời mời về cuộc trao đổi hôm nay. Bài viết của GS đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ đại học và hội nhập quốc tế” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 16 tháng 5 năm 2018, GS đã đưa ra một số luận điểm và khái niệm về giáo dục, mối quan hệ kinh tế sinh thái với giáo dục mở. GS có thể nói thêm về những khái niệm trên

GS.VS. Cao Văn Phường: Tạo hóa tạo ra con người và vạn vật và cho họ quyền bình đẳng tồn tại, phát triển. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo mà loài người hướng tới.

Nền kinh tế sinh thái là nền kinh tế được tổ chức vận hành dựa trên quan điểm tối ưu hóa quan hệ kinh tế - xã hội với môi trường sinh thái, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao mà không xâm hại môi trường sinh thái.

Để thực hiện được điều đó, mọi người cần phải học tập thường xuyên để hoàn thiện: Tâm lực, trí lực, thể lực, tài lực qua đó hoàn thành tốt trách nhiệm, nghĩa vụ được xã hội giao phó. Con người không chỉ có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội mà phải có trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là phẩm chất đạo đức mà mọi người phải hoàn thiện.

Ngày nay khi công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Vì vậy, giáo dục được hiểu như là “Sự tác động nhiều chiều của môi trường thông tin lên con người giúp họ hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra”. Dạy học tức là gợi mở giúp người khác và ngược lại hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

Học tức là hoàn thiện phương pháp, phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra, để trở thành công dân có trách nhiệm.

NB.Đoàn Xuân Trường: Thưa GS, tại sao phải xây dựng nền giáo dục mở, sự khác biệt giữa nền giáo dục truyền thống và nền giáo dục mở

GS.VS. Cao Văn Phường: Loài người đang đứng trước những thảm họa do thiên tai và do chính con người tạo nên. Hàng năm, hàng trăm triệu hécta rừng bị tàn phá, hàng triệu mét khối chất thải độc hại được xả xuống các dòng sông, biển cả, đưa lên bầu khí quyển, hàng triệu mét khối khoáng sản bị đào móc khỏi lòng đất làm thay đổi khối lượng trái đất, hậu quả làm dịch chuyển trục quay của trái đất do lực tương tác giữa các hành tinh lên trái đất, làm biến đổi khí hậu, nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển ngày càng dâng cao nhấn chìm dần các châu lục.

Tranh giành quyền lực, quyền lợi, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo và quan điểm chính trị… dẫn đến các cuộc chiến tranh hủy diệt liên tục diễn ra…. Loài người đang tồn tại trong môi trường thông tin bị ô nhiễm do công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin bị lạm dụng.

Vì vậy, để tồn tại tất cả mọi người phải học tập thường xuyên, hoàn thiện phương pháp tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để có những quyết định phù hợp, kịp thời, để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra.

Để chế ngự, thích ứng, ngăn chặn những thảm họa do thiên tai và do chính con người tạo nên, tất cả mọi người, mọi quốc gia phải liên kết, chung sức chế ngự, thích ứng, ngăn chặn, đẩy lùi những thảm họa xây dựng nền kinh tế sinh thái. Sự liên kết chung sức đó chỉ có thể thành công phải được bắt đầu từ việc xây dựng nền giáo dục mở, trên quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng phát triển giáo dục.

Nền giáo dục mở là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho tất cả mọi người, học bất kỳ lúc nào, học bất cứ nơi nào, không nhất thiết đến trường lớp.

Sự khác biệt giữa nền giáo dục truyền thống và nền giáo dục mở thể hiện ở chỗ: Nền giáo dục mở đào tạo theo nhu cầu học tập của xã hội, đáp ứng thị trường lao động, không theo hoạch định, được tổ chức mềm dẻo linh hoạt, kế hoạch học tập do người học lựa chọn, quy mô đào tạo không hạn chế, lớp học được tổ chức linh hoạt, gần người học; người học vừa học, vừa dạy, vừa làm, không nhất thiết tập trung đến trường lớp; người học tự đánh giá mình và xã hội đánh giá thông qua kết quả lao động sáng tạo.

NB.Đoàn Xuân Trường: Thưa GS, xây dựng nền giáo dục mở dựa trên quan điểm kinh tế sinh thái, kinh tế tri thức, GS có thể nói rõ thêm những đặc trưng của nền kinh tế sinh thái, kinh tế tri thức mà nền giáo dục mở cần lưu ý khi xây dựng chương trình, mục tiêu đào tạo

GS.VS. Cao Văn Phường: Nền kinh tế sinh thái là nền kinh tế được tổ chức vận hành dựa trên quan điểm tối ưu hóa quan hệ kinh tế - xã hội với môi trường sinh thái đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao mà không xâm hại môi trường sinh thái. Để xây dựng nền kinh tế sinh thái như vậy không thể thiếu tri thức, tri thức nhân tạo dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Kinh tế sinh thái – kinh tế tri thức có những đặc trưng cơ bản đó là:

▪️ Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở mỗi quốc gia và toàn thế giới cho phù hợp với các vùng sinh thái trên cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

▪️ Nghiên cứu sáng tạo ra công nghệ mới làm tăng năng suất lao động là loại hình sản xuất quan trọng trong kinh tế sinh thái - kinh tế tri thức.

▪️ Tự do, dân chủ hóa các hoạt động kinh tế - xã hội trong khuôn khổ pháp luật theo hướng toàn cầu hóa là xu hướng mà mỗi quốc gia hòa nhập vào thế giới mở phải tuân thủ.

▪️ Sự liên kết cạnh tranh – cạnh tranh liên kết diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, xuất hiện nền kinh tế ảo trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng internet.

▪️ Sự sàng lọc giữa các nền văn hóa, dẫn đến nền văn hóa mới – văn hóa internet thích ứng với yêu cầu phát triển nền kinh tế - xã hội với điều kiện nền sản xuất mới tự động hóa.

▪️ Xuất hiện tầng lớp lao động mới có trí thức, có chất xám cao, có kỹ năng kỹ xảo. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền cơ bản trong nền kinh tế tri thức. Nhận thức về quyền lực sẽ thay đổi, cơ cấu về quyền lực mới sẽ xuất hiện – Quyền lực trí tuệ.

▪️ Chuẩn mực đạo đức xã hội được cụ thể hóa phù hợp với nền kinh tế mở. Trong thế giới mở, giá trị đích thực của mỗi con người được lượng giá thông qua kết quả lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả, thực hiện trách nhiệm công dân (trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với thiên nhiên) không còn dừng lại trong từng quốc gia – phải là đạo đức toàn cầu.

▪️ Triết lý tôn giáo, quan điểm chính trị sẽ được cọ sát và sẽ được điều chỉnh với nhận thức về thế giới quan của con người trong môi trường thông tin mở, trình độ dân trí ngày càng nâng cao.

▪️ Khái niệm về lãnh thổ, chủ quyền ranh giới quốc gia sẽ được điều chỉnh và có thể mất đi. Sự tồn tại của các dân tộc trong thế giới mở nhờ sự bảo tồn và phát triển văn hóa, văn hóa dân tộc, đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình.

▪️ Tiềm năng của mỗi quốc gia trong nền kinh tế tri thức không chỉ phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên mà phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng con người được hàm chứa qua năng lực tư duy sáng tạo, tạo ra công nghệ mới làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả lao động, chất lượng sản phẩm, phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và trình độ văn hóa, học vấn của đại đa số nhân dân.

Ngày nay, loài người nhận ra rằng tạo hóa đã tạo nên họ, cho họ quyền bình đẳng tồn tại và phát triển. Vì vậy, con người phải có trách nhiệm và nghĩa vụ không chỉ với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội loài người mà hơn thế nữa phải có trách nhiệm với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống của họ và vạn vật đang sinh tồn.

NB.Đoàn Xuân Trường: Trong các đặc trưng nền kinh tế tri thức, kinh tế mở, GS có đề cập đến chuẩn mực đạo đức của con người được lượng giá thông qua kết quả lao động sáng tạo, lao động có hiệu quả, thực hiện trách nhiệm công dân (Trách nhiệm với bản thân, Trách nhiệm với gia đình, Trách nhiệm với cộng đồng xã hội, Trách nhiệm với thiên nhiên). Qua nhiều bài viết của GS vấn đề trách nhiệm công dân (Trách nhiệm với bản thân, Trách nhiệm với gia đình, Trách nhiệm với cộng đồng xã hội, Trách nhiệm với thiên nhiên) luôn được GS đề cập như là mối lo thường xuyên của GS trong giáo dục

GS.VS. Cao Văn Phường: Loài người đang đứng trước những thảm họa do thiên tai và do chính con người tạo nên. Hàng năm hàng trăm triệu hécta rừng bị tàn phá, hàng triệu mét khối khoáng sản bị đào móc khỏi lòng đất, rác thải và những chất độc hại tràn ngập hành tinh, các lục địa đang bị nhấn chìm dần do biến đổi khí hậu, nước biển dâng lên.

Những thành tựu của công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin bị lạm dụng, môi trường thông tin bị xâm hại, làm xã hội vốn phức tạp trở nên hỗn độn, những thảm họa loài người gánh chịu phần lớn do con người thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm tạo nên.

Nền kinh tế tri thức được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng 4.0. Tự do – dân chủ là đặc trưng cơ bản. Vì vậy, giáo dục phải có nhiệm vụ đào tạo ra những con người có trách nhiệm. Tự do – dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm thì thế giới mới phát triển ổn định; ngược lại, nếu không thế giới trở nên hỗn độn.

Tinh thần trách nhiệm phải được giáo dục từ những lớp mầm non, mẫu giáo, cho tất cả mọi người, và phải được coi là phẩm chất đạo đức chung của loài người không phân biệt quốc gia nào, tôn giáo nào, đảng phái chính trị nào. Tình yêu tổ quốc, yêu đồng bào, yêu nhân loại… đều phải được bắt đầu từ trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với thiên nhiên.

NB.Đoàn Xuân Trường: Là người tạo dựng mô hình tại chức mở rộng ở Đại học Cần Thơ, mô hình Đại học Mở Bán công Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), Đại học Bình Dương, Phân hiệu Đại học Mở Sông Bé, Phân hiệu Đại học Bình Dương – Cà Mau không sử dụng ngân sách của Nhà nước, những mô hình trên đã góp phần tích cực xây dựng đổi mới nền giáo dục của đất nước.

Hai quyển hồi ký của GS “Đã từng có một Đại học Mở như vậy” và “Hành trình đến nền giáo dục mở” do Nhà xuất bản Văn học giới thiệu năm 2010 và năm 2015, Tạp chí Giáo dục và Xã hội được sự đồng ý của GS đã giới thiệu nội dung hai quyển sách trên đã được sự tiếp nhận nồng nhiệt của bạn đọc. Đặc biệt, ngày 15 tháng 5 năm 2018, TS.NGND Thái Văn Long nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau đã nghiên cứu chuyển thể từ tự truyện sang kể chuyện và được Nhà xuất bản Văn học giới thiệu với tựa đề “Dấu chân người kiến tạo trên hành trình đến nền giáo dục mở”. GS có thể nói thêm với độc giả về các quyển sách trên

GS.VS. Cao Văn Phường: Thực ra giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người có quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục. Giáo dục làm thay đổi số phận con người, từ người nghèo khó có thể trở thành giám đốc, trở thành nhà kinh doanh thành đạt, trở thành nhà lãnh đạo, trở thành công dân có trách nhiệm. Vì vậy, xã hội quan tâm đến những vấn đề giáo dục, đặc biệt nền giáo dục mở cho cộng đồng trong điều kiện nền sản xuất chuyển từ cơ giới sang tự động hóa, nền kinh tế tri thức đóng vai trò ngày càng chủ đạo, giáo dục mở luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Ngày 21 tháng 01 năm 1946, tức 15 ngày sau ngày Tổng tuyển cử (06 tháng 01 năm 1946) lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trên Báo Cứu Quốc số 147, trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:… “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”…

“Ai cũng được học hành” chính là tư tưởng mở trong giáo dục, chính sách mở trong giáo dục của Đảng và Hồ Chủ tịch. Trong sâu thẳm tiềm thức, Người chỉ rõ cho chúng ta, muốn có cơm ăn, áo mặc, muốn tự do, độc lập, con người phải học hành. Như vậy, học tập là điều kiện cần để mọi người có cơm ăn, áo mặc, để có tự do và mới có thể góp sức bảo vệ độc lập của đất nước. Và chính Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta phương cách xây dựng nền giáo dục mở thông qua con đường xã hội hóa giáo dục.

Trên báo Cứu quốc số 58 ngày 04 tháng 10 năm 1945, Người chỉ rõ: “Người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho người không biết chữ, các chủ đồn điền hầm mỏ, nhà máy mở lớp học cho tá điền, những người làm công của mình”, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên người đã nói: “Người biết chữ hãy dạy cho người không biết chữ, mỗi xóm cử một vài người đi học, học mấy hôm về dạy mấy hôm, hết chữ rồi trở lại học, thầy vừa dạy vừa học”.

Học là để hiểu biết, để làm việc, để làm giàu, là để mọi người hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình (Bài phát biểu của Hồ Chủ tịch tại Đại hội sơ kết công tác bình dân học vụ 06 tháng đầu năm 1956, ngày 17 tháng 7 năm 1956 tại Hà Nội).

Những việc làm của tôi và đồng nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học tôi trực tiếp lãnh đạo và tạo dựng: Khoa Cơ khí, hệ tại chức mở rộng Đại học Cần Thơ những năm 1976-1990; Đại học Mở Bán công Tp.HCM (1990-2001); Đại học Bình Dương (2001 đến nay)…nhằm góp phần chuyển đổi nền giáo dục hoạch định, hành chính hóa sang nền giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của đại đa số nhân dân trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chưa có luật pháp rõ ràng để thực hiện những chủ trương chính sách mở trong giáo dục. Tôi rất vui vì trong những năm gần đây, đặc biệt, ngày 04 tháng 11 năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29 về: “Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục và Đào tạo” nhằm chuyển nền giáo dục khép kín, hành chính hóa sang nền giáo dục mở. Tuy nhiên, phía trước nền giáo dục mở vẫn còn nhiều rào cản mà trước hết về nhận thức xã hội. Tôi hy vọng các cơ quan truyền thông cùng đồng hành tích cực vào hành trình đến nền giáo dục mở.

Qua hai quyển sách “Đã từng có một Đại học Mở như vậy” và “Hành trình đến nền giáo dục mở” do Nhà xuất bản Văn học giới thiệu năm 2010 và năm 2015, bạn đọc hiểu được phần nào về phương cách làm giáo dục trong thời kỳ quá độ, đất nước chuyển từ nền kinh tế hoạch định, hành chính hóa, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, qua đó bạn đọc còn tìm thấy phác thảo những căn cứ nền tảng để xây dựng mô hình đại học mở đó là:

▪️ Chuyển đổi các chương trình đào tạo theo niên chế sang chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ (credit system). Theo mô hình đào tạo này, các chương trình đào tạo được mô đun hóa nén khối lượng kiến thức riêng vào các môđun, chúng có thể kết nối để trở thành chương trình đào tạo dẫn đến bằng cấp, hoặc tổ hợp với các môđun khác để dẫn đến chương trình đào tạo ngành nghề khác. Việc chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang hệ thống tín chỉ nhằm dẫn đến xây dựng cơ sở giáo dục đại học thành các “Siêu thị tri thức”, “Hàng hóa” là các khối lượng kiến thức, khách hàng là người học, họ được quyền lựa chọn các mô đun kiến thức, chủ động lập kế hoạch học tập. Nếu người học chỉ học lấy kiến thức để làm việc thì không bị ràng buộc phải tốt nghiệp các bậc học, việc tuyển sinh tùy theo năng lực của nhà trường, hàng năm có thể tuyển sinh nhiều kỳ theo hình thức ghi danh rất thuận lợi cho người học. Người học có thể học lại để thi nhận các tín chỉ, các tín chỉ đạt được Chuẩn có thể được lưu giữ tại trung tâm khảo thí, người học có thể dùng các tín chỉ đạt yêu cầu để lấy bằng cấp nếu đủ điều kiện ràng buộc theo quy định.

▪️ Xây dựng Trung tâm Học liệu mở: Nhằm đáp ứng cung cấp học liệu đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, nhà trường đã đầu tư xây dựng Trung tâm Học liệu.

▪️ Xây dựng Trung tâm Lượng giá:  Các chương trình đào tạo được xây dựng từ các ngân hàng đề thi kèm theo dưới dạng trắc nghiệm và tự luận. Người học có thể tự đánh giá năng lực học tập của mình thông qua các ngân hàng đề thi.

▪️ Xây dựng chương trình đào tạo từ xa: Nhà trường đã tổ chức triển khai các chương trình đào tạo theo phương thức từ xa, theo khái niệm mở là phương thức giáo dục không trực diện giữa người học và người dạy qua nhiều cấp kỹ thuật khác nhau:

▫️▫️ Học qua tài liệu sách vở có hướng dẫn theo định kỳ tại các khu vực có tổ chức lớp học (Hình thức đào tạo hàm thụ)

▫️▫️ Đào tạo qua điện thoại

▫️▫️ Đào tạo qua phát thanh

▫️▫️ Đào tạo qua phát thanh – truyền hình

▫️▫️ Đào tạo trực tuyến qua mạng máy tính

▫️▫️ Đào tạo qua cầu truyền hình

▫️▫️ Tùy những điều kiện cụ thể có thể kết hợp giữa các cấp kỹ thuật với nhau.

▪️ Chủ động nghiên cứu xây dựng các chương trình, mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đại học Mở Bán công Tp.HCM đã mở ra những ngành đáp ứng nhu cầu xã hội chưa từng có mã số do Bộ cấp: Đông Nam Á học, Công thôn, Phụ nữ học, Quản trị Kinh doanh, Báo Chí học. Ngày nay hầu hết ở các trường đều có ngành Quản trị Kinh doanh, nhưng tại thời điểm những năm 90 thế kỷ XX, đây là ngành đào tạo nhạy cảm, có nhiều ý kiến khác nhau. Nhờ sự sáng suốt của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ, nên chúng ta đã chuẩn bị được nguồn lực để tham gia vào nền kinh tế thị trường. Phải nói thêm, tất cả các chương trình đào tạo của Đại học Mở Bán công Tp.HCM lúc bấy giờ ngoài những môn học chuyên ngành, nhà trường còn bắt buộc đưa vào tất cả các chương trình đào tạo: 12 tín chỉ tiếng Anh, 12 tín chỉ Tin học chuyên ngành, 12 tín chỉ Quản trị học. Các thầy cô ở trường thường nói: Đây là công thức 3B (Ba biết: Tiếng Anh, Tin học, Quản trị), những môn học này giúp người học có điều kiện tự lập nghiệp, hoặc thuận lợi tìm việc làm.

▪️ Nhằm chuẩn bị hình thành hệ thống giáo dục mở, những năm 90 thế kỷ XX, nhà trường tập trung xây dựng hạ tầng, cơ sở kỹ thuật như: Đầu tư hệ thống máy tính cho nhà trường, đồng thời hỗ trợ đầu tư trang bị máy tính cho các trung tâm ở các địa phương như: Trung tâm Giáo dục Thường xuyên An Giang, Trung tâm Kinh tế Kỹ thuật Vĩnh Long, Trung tâm Đào tạo mở Phú Yên…Nhà trường đã hợp đồng liên kết với các Đài Phát thanh Truyền hình các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Đài Tiếng nói Nhân dân Tp.HCM phát sóng các chương trình đào tạo, tạo nên sự kết nối mở rộng mạng lưới giáo dục đến gần người học.

NB.Đoàn Xuân Trường: Những thành tựu của Đại học Mở Bán công Tp.HCM đạt được, đặc biệt những năm 1990-1995, đã được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước và báo, đài phản ánh một phần nào, đây là mô hình có nhiều ý tưởng mới đột phát rất cần được đúc kết, góp phần hoàn thiện chương trình xây dựng nền giáo dục mở

GS.VS. Cao Văn Phường: Giáo dục mở được nhiều nước quan tâm, tùy theo hoàn cảnh khác nhau, từng quốc gia nhà nước lựa chọn cấp kỹ thuật đầu tư nhằm thực hiện chính sách mở. Từ những năm 1980, tại Anh Quốc đã xuất hiện các lớp hàm thụ do ông Isaas Pitman tổ chức đào tạo tốc ký. Năm 1919, tại Canada, Vancouver sáng lập Trường Hàm thụ bậc Trung học. Năm 1922, Newzeland xây dựng Trung tâm đào tạo Hàm thụ. Năm 1927, lần đầu tiên trên đài BBC phát các chương trình đào tạo từ xa cho mọi người có nhu cầu học tập. Năm 1939, Đại học IOWA – Mỹ tổ chức đào tạo từ xa qua điện thoại.

Ở Việt Nam, trong những năm 60, các lớp đào tạo hàm thụ được tổ chức nhiều nơi ở miền Bắc. Ở miền Nam, nhiều trường thực hiện hình thức ghi danh tự do. Sau ngày giải phóng những năm 1978, Trường Đại học Cần Thơ xây dựng chương trình đào tạo tại chức mở rộng, đặc biệt từ những năm 1990, theo tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, ngành Giáo dục đã xây dựng thí điểm Viện Đào tạo Mở rộng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Tháng 12 năm 1990, quyết định thành lập Viện Đào tạo Mở rộng Tp.HCM với hai thử nghiệm: Thử nghiệm xây dựng mô hình đào tạo mở và thử nghiệm xây dựng trường đại học tự hạch toán không sử dụng ngân sách nhà nước. Qua 03 năm thử nghiệm, ngày 26 tháng 7 năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 389/TTg cho phép xây dựng Đại học Mở Bán công Tp.HCM, đây là trường đại học mở có quy mô đào tạo gần 40.000 (bốn mươi ngàn sinh viên) và để lại nhiều ý tưởng rất cần tổ chức rút kinh nghiệm.

Sự thành công của mô hình Đại học Mở Bán công Tp.HCM được bắt nguồn từ sự sáng suốt của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ, tuy chưa có luật pháp và quy định rõ ràng, lãnh đạo Bộ đồng ý cho phép Viện Đào tạo Mở rộng thực hiện quyền tự chủ, tuy đây chỉ là lời hứa không thành văn bản. Sau 25 năm, Nhà nước ta chính thức cho phép nhiều trường đại học được tự chủ qua Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Như vậy, Giáo dục mở và tự chủ đại học được triển khai thành công bước đầu cách đây 25 năm, tuy còn nhiều hạn chế, nguyên nhân thành công và những hạn chế cần được nghiên cứu rút kinh nghiệm để xây dựng, phát triển là cần thiết. Vấn đề Ai là người chủ trì Ai là người sử dụng kết quả nghiên cứu…

NB.Đoàn Xuân Trường: GS là người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhiều bài viết của GS đăng trên các tạp chí và hội thảo trong và ngoài nước, đặc biệt qua “Hành trình đến nền giáo dục mở”, hơn 40 năm tổ chức xây dựng và lãnh đạo các cơ sở đại học bằng con đường tự thân vận động, không sử dụng ngân sách nhà nước, phấn đấu vì một nền giáo dục mở với Triết lý: Mở để học – Học để mở, để trở thành công dân có trách nhiệm trong thế giới mở. GS có thể nói thêm với độc giả Tạp chí Giáo dục và Xã hội về ý tưởng “Xây dựng nền giáo dục mở trên quan điểm kinh tế - sinh thái, kinh tế tri thức”, được giới thiệu qua bài viết đăng trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia ngày 16 tháng 5 năm 2018 vừa qua về “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”

GS.VS. Cao Văn Phường: Tạo hóa tạo ra con người và vạn vật, họ được quyền bình đẳng tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy, xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm, đây vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, vừa là động lực lao động sáng tạo mà loài người hướng tới. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vì sự sinh tồn của mình, loài người vô tình hay cố ý xâm hại, phá hủy môi trường sống của vạn vật và của chính bản thân mình. Ngày nay, loài người nhận ra mình đang đứng trước những thảm họa khôn lường do thiên tai và do sự thiếu trách nhiệm của con người tạo nên. Vì vậy, để thích ứng, chế ngự, ngăn chặn thảm họa, tất cả mọi người, mọi quốc gia phải liên kết, chung sức hành động, phải xây dựng nền kinh tế sinh thái trên nền tảng cuộc cách mạng 4.0 thông qua con đường khai thác trí tuệ nhân tạo. Sự liên kết chung sức đó chỉ có thể thành công trên cơ sở xây dựng nền giáo dục mở, toàn cầu hóa giáo dục, giúp tất cả mọi người hoàn thiện Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực để họ hoàn thành trách nhiệm không chỉ với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, mà phải hoàn thành trách nhiệm với thiên nhiên và nghĩa vụ xã hội giao phó. Ý thức trách nhiệm đó phải được giáo huấn từ tuổi thơ tại các lớp mầm non, mẫu giáo, chuẩn bị cho họ những điều cần để họ tham gia xây dựng nền kinh tế sinh thái, thực hiện trách nhiệm công dân.

Vì vậy, để thực hiện được điều đó, cần nhận thức lại cho đúng bản chất, vị thế của giáo dục từ khái niệm, quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp phù hợp trong điều kiện mới. Thế giới chuyển từ thế giới khép kín sang thế giới mở, nền sản xuất cơ giới chuyển sang nền sản xuất tự động hóa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Đạo đức xã hội phải được lượng giá thông qua mức độ hoàn thành trách nhiệm không chỉ với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, mà hơn thế nữa phải hoàn thành trách nhiệm với thiên nhiên.

Thế giới mở cần một thế hệ mới có trách nhiệm và có năng lực liên kết, dấn thân vì sự sinh tồn và phát triển bền vững của thế giới. Cần những con người có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, xây dựng thế giới mở phát triển ổn định, xây dựng nền kinh tế sinh thái, trong đó con người là trung tâm.

Trách nhiệm phải được xem là cốt lõi, là đạo đức mọi người phải có, phải được rèn luyện ngay từ tuổi thơ. Thế giới mở là thế giới tự do, dân chủ. Tự do, dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm, ngược lại thế giới sẽ trở nên hỗn độn và con người không còn là giá trị trung tâm.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 29 “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Nhà nước cần hoàn thiện, sửa đổi Luật Giáo dục cho phù hợp, luật phải xây dựng dựa trên quan điểm: Giáo dục là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền giáo dục. Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; Tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng Trung tâm Học liệu; Nghiên cứu quy hoạch các khu kinh tế sinh thái với ba trụ cột: Kinh tế - Giáo dục – Khoa học Công nghệ, đặc biệt phải đổi mới phương pháp giáo dục.

Để học tập có hiệu quả, học thường xuyên, học bất cứ nơi đâu, học bất cứ lúc nào. Việc học tập phải được thực hiện thông qua phương pháp “Cộng học”:

▪️ Học với gia đình, cha mẹ, anh chị em,

▪️ Học với thầy và bạn bè ở trường,

▪️ Học với cộng đồng xã hội, với những người xung quanh,

▪️ Học qua tài liệu, sách vở, báo đài, qua phát thanh, truyền hình, qua mạng internet,

▪️ Học ở chính bản thân mình,

▪️ Học ở đối tác,

Phương pháp “Cộng học” được xây dựng dựa trên nguyên tắc 4 chữ “H”: Học – Hỏi – Hiểu – Hành:

Học là để biết cách học như thế nào,

Học là để biết cách hỏi (để tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin),

Hỏi để học,

Hỏi để hiểu,

Hiểu phải hiểu đúng (qua xử lý thông tin),

Hiểu đúng Hành mới đúng,

Hành đúng mới có hiệu quả,

Hành có hiệu quả mới tạo ra những sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng đáp ứng nhu cầu cuộc sống của bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên, mới hoàn thành được trách nhiệm và nghĩa vụ mà xã hội giao phó.

Học – Hỏi – Hiểu – Hành là nền tảng để mỗi người hoàn thiện trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với thiên nhiên.

Phương pháp “Cộng học” không chỉ là phương pháp giáo dục tích cực mà nó còn là nền tảng để xây dựng nền giáo dục mở, tạo nên một xã hội học tập, giúp mọi người tự hoàn thiện Tâm lực, Trí lực, Thể lực, Tài lực. Phương pháp “Cộng học” và tinh thần trách nhiệm phải được thực hiện ngay từ các lớp mầm non, mẫu giáo, giúp cho các em hoàn thiện tính chủ động, tư duy độc lập, sáng tạo để trở thành công dân có trách nhiệm.

Điều quan trọng lãnh đạo các cấp, các cơ sở giáo dục, các cơ quan truyền thông phải chung sức liên kết, làm cho xã hội nhận thức đúng vai trò, vị thế của nền giáo dục mở.

NB.Đoàn Xuân Trường: Xin chân thành cám ơn Giáo sư, chúc Giáo sư luôn luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục đóng góp, xây dựng nền giáo dục mở.

Ngày 25 tháng 5 năm 2018

Tạp chí GD&XH số 87 (148) tháng 6/2018

http://giaoducvaxahoi.vn/tapchisomoi/t-p-chi-giao-d-c-va-xa-h-i-s-thang-6-2018.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây