Triết lý giáo dục của Trường Đại học Bình Dương được thể hiện qua 4 chữ H (Học – Hỏi – Hiểu – Hành) và 4 chữ T (Trách nhiệm với cá nhân, Trách nhiệm với gia đình, Trách nhiệm với xã hội và Trách nhiệm với thiên nhiên), sau đó được bổ sung thêm 1 chữ T (Trách nhiệm với tư cách công dân toàn cầu) là một minh chứng cho hướng phát triển riêng biệt cho người học tại nhà trường. Theo đó, sinh viên theo học tại Trường Đại học Bình Dương được trang bị những kiến thức chuyên môn và thái độ, phẩm chất, kỹ năng dựa trên phương pháp Học – Hỏi – Hiểu – Hành. Đây cũng là phương pháp “cộng học”, được giải thích một cách biện chứng gồm:
Học là để biết cách học như thế nào
Học là để biết cách Hỏi
Hỏi để Học
Hỏi để Hiểu (để tập hợp thông tin, xử lý thông tin, khai thác thông tin để giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra)
Hiểu phải hiểu đúng
Hiểu đúng thì Hành mới đúng
Hành đúng mới có hiệu quả
Hành có hiệu quả mới tạo ra được sản phẩm vật chất hay tinh thần có chất lượng, mới đáp ứng được nhu cầu của bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội, mới có điều kiện bảo vệ thiên nhiên, mới hoàn thành được trách nhiệm và nghĩa vụ xã hội giao phó.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, mỗi người đặc biệt là các bạn trẻ cần phải thực hiện thêm trách nhiệm với tư cách là một công dân toàn cầu. Để vươn ra biển lớn, để có thể tự hào về quê hương, đất nước của mình, người trẻ cần tích cực tham gia các sân chơi quốc tế. Mục tiêu giáo dục không chỉ là giỏi chuyên môn, mà còn phải thành thạo kỹ năng, giỏi ngoại ngữ, chủ động hòa nhập, thích nghi nhanh với cuộc sống khác biệt, mới mẻ. Trong thế giới mở, phải có những con người mở có trách nhiệm. Muốn vậy, người trẻ cần tích cực xây dựng thương hiệu của bản thân.
Trước hết, người trẻ cần thay đổi từ việc “bị học” sang “được học”, nghĩa là tâm thế đi học cần phải chuyển từ bị động sang chủ động. Rất nhiều tân sinh viên mới rời ghế nhà trường phổ thông đã quen với sự bảo bọc của gia đình quyết định đi học để làm vui lòng cha mẹ, hoặc vì bạn bè ai cũng đi học,…Những lý do tương tự là nguyên nhân dẫn đến thái độ học tập bị động. Nếu người học có động cơ xuất phát từ việc mong muốn được làm giàu sự hiểu biết của mình, họ sẽ tìm cách xây dựng kế hoạch học tập, đặt ra mục tiêu học tập và sử dụng các phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu đó.
Người trẻ khi đi học cần thay đổi từ việc bị gọi lên phát biểu, gọi lên trả lời câu hỏi thay vì chủ động xung phong thể hiện quan điểm của cá nhân. Muốn vậy, người học phải xây dựng được cái tôi cá nhân thông qua việc suy nghĩ độc lập, rèn luyện tư duy phản biện. Đơn cử như việc chủ động chọn một cuốn sách, đọc và phân tích thông tin mà cuốn sách cung cấp, khoan tin tất cả những điều mình đọc được, đối chiếu, so sánh, đánh giá bằng những ví dụ cụ thể là việc nên làm trước khi có kết luận vấn đề.
Trong thư chúc mừng khai giảng năm học mới 2023-2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng viết: “Mỗi năm học là một hành trình ý nghĩa trên con đường tích lũy tri thức, rèn luyện kỹ năng, trau dồi phẩm chất, xác lập những giá trị tốt đẹp và bền vững để phát triển bản thân. Thế giới và tương lai các em đang rộng mở. Thầy cô, cha mẹ và đất nước luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất để các em phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” chỉ đạt được khi đất nước có những công dân có trí tuệ và phẩm giá, biết yêu gia đình, Tổ quốc, đồng bào mình; sống tử tế và làm việc hiệu quả; dám bảo vệ lẽ phải, dũng cảm và tỉnh táo chống lại những điều xấu, cái ác”. Như vậy, Chủ tịch nước rất quan tâm đến sự tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu của thế hệ trẻ người Việt Nam.
Ở Trường Đại học Bình Dương, thương hiệu bản thân được kiến tạo thông qua hàng loạt các hoạt động thực tập, thực hành, trải nghiệm môi trường văn hóa làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp. Thông qua việc trải nghiệm thực tế, sinh viên sẽ dần thay đổi thái độ với việc học, và có thêm những kinh nghiệm trong giao tiếp, hiểu được bối cảnh nghề nghiệp tương lai.
Thêm vào đó, Nhà trường luôn sẵn sàng trao những cơ hội cho sinh viên tham gia hoạt động trao đổi du học sinh, trải nghiệm văn hóa, học tập tại các trường đại học đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ,…Thực tế, trong thời gian qua, đã có rất nhiều bạn sinh viên tham gia trải nghiệm các chương trình này.
Còn bạn? Hãy thực hiện ngay việc đặt ra mục tiêu, xây dựng kế hoạch, học ngoại ngữ để sẵn sàng hành lý bước vào thế giới toàn cầu như một công dân của thế giới mở.
Do Nha
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn