GIÁP THÌN 2024 – NĂM CỦA GẮN KẾT, TRÁCH NHIỆM, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Thứ ba - 20/02/2024 21:55
Từ cuối 2023, các thành viên trong gia đình BDU đã biết đến slogan như một lời hiệu triệu, là mục tiêu cần phải thực hiện ngay nhằm phát triển Trường Đại học Bình Dương khi bước vào tuổi 27. Để thực hiện đầy đủ ý nghĩa của slogan này theo tôi không hề đơn giản. Sau đây là vài suy nghĩ của tôi.
1. GẮN KẾT
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, gắn kết có nghĩa là gắn chặt với nhau, không thể tách rời.
Đối với tập thể, gắn kết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể hiểu gắn kết là sự kết nối, đoàn kết, chia sẻ của các thành viên trong nội bộ của cơ quan, tổ chức. Trong một đơn vị, gắn kết biểu hiện qua mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa các đồng cấp với nhau. Theo tôi, muốn thực hiện được việc gắn kết, trước hết phải thông suốt được tư tưởng quản lý cấp cao đến từng từng nhân viên. Nghĩa là mỗi đơn vị cần phải có mục tiêu chung để hướng đến. Trong quá trình thực hiện mục tiêu ấy, việc tranh luận, va chạm chắc chắn sẽ xảy ra nhưng quan trọng nó phải xuất phát từ mong muốn tiến bộ, phát triển, không vì vụ lợi, cá nhân. Người lãnh đạo cần biết ứng xử đúng mục, mỗi lời nói của người làm lãnh đạo đều có sức ảnh hưởng đến tâm lý làm việc của nhân viên cấp dưới. Vì vậy, đôi lúc người quản lý phải biết hi sinh bản ngã, kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu và hồi đáp tích cực. Đối với nhân viên cấp dưới, gắn kết là sự tuân thủ chỉ đạo, là trung thực, trung thành với mục tiêu, với tổ chức. Nên mỗi ngày, mỗi người cần trau dồi năng lực công tác, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, điều chỉnh thái độ tích cực, đặt ra mục tiêu công việc hằng ngày và quyết tâm thực hiện có hiệu quả.
Gắn kết giúp chúng ta được chia sẻ, thấu hiểu đồng thời sẽ tạo ra môi trường yêu thương, nhân văn, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác. Gắn kết cũng là kết quả của quá trình khám phá bản thân, tìm điểm chung, rèn luyện tính kiên nhẫn, lắng nghe và tôn trọng lợi ích chung. Nhưng, theo tôi, để có gắn kết thực sự, chúng ta phải CHIẾN THẮNG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH.
2. TRÁCH NHIỆM
Trách nhiệm có 2 nghĩa. Thứ nhất, trách nhiệm là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả. Với nghĩa này, mỗi người trong tập thể đều có trách nhiệm riêng, cụ thể. Nó đồng nghĩa với bổn phận. Để làm “tròn vai”, mỗi người trong tổ chức không chỉ cần biết rõ công việc mình đang làm, mà còn phải làm công việc ấy một cách say mê, hiệu quả. Thứ hai, trách nhiệm là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả. Cả lãnh đạo và nhân viên trong một tập thể đều phải có trách nhiệm với phát ngôn, hành động của mình trên cơ sở các quy tắc đã được ấn định của tổ chức.
Ở trường ta, từ lâu, Chủ tịch Hội đồng trường đã đề ra triết lý giáo dục trên nguyên tắc thực hiện “4H – 4T”. Trách nhiệm với bản thân là cơ sở, nền tảng để thực hiện các trách nhiệm với gia đình, xã hội và thiên nhiên.
3. ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN
Đổi mới là thay đổi hoặc làm cho thay đổi tốt hơn, tiến bộ hơn so với trước, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Bản chất của đổi mới đã là phát triển. Nó cũng có thể hiểu là sự cải cách, canh tân…
Với một tổ chức, sự thay đổi để mới mẻ hơn từ tư duy cho đến hành động, là một cách để đột phá đường hướng, giúp cho công việc ngày càng tốt hơn, tiến bộ hơn. Đổi mới và phát triển phải song hành cùng nhau. Đổi mới không phải là sự thay thế, không phải sự đạp đổ mà là sự kết hợp linh hoạt và phù hợp với tương lai.
Trên cơ sở, nền tảng có sẵn, người lãnh đạo cần đổi mới bằng cách đặt ra những mục tiêu cụ thể, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tôn trọng thành tựu của người đi trước, cải tiến để phù hợp với xu thế. Thông qua đổi mới ta có thể nhìn thấy tư cách, đạo đức, văn hóa của người kế nhiệm, đổi mới phát triển chính là thử thách, là cơ hội cho tất cả mọi người khẳng định vị trí, vai trò của mình từ suy nghĩ cho đến thực hiện công việc. Đổi mới phát triển chính là cơ hội để mỗi người phải luôn tự bồi dưỡng kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn của chính mình. Nó còn là cơ sở để tạo dựng mối quan hệ xã hội, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ phối hợp công tác.
Thầy Chủ tịch Hội đồng trường đã từng nói trong xu thế phát triển, không thể có một cá nhân, một tập thể nào đơn lẻ mà thành công, phải có sự liên kết các cá thể thành nhóm, các nhóm thành một tập thể, các tập thể thành một hệ thống, một mạng lưới. Như vậy sự cạnh tranh nằm trong sự liên kết, bởi liên kết để cạnh tranh và cạnh tranh để cùng liên kết. Cạnh tranh và liên kết là đòn bẩy để phát triển.
Bước sang năm thứ 27, mỗi cán bộ quản lý, mỗi nhân viên, cán bộ, giảng viên phải hiểu và thấm nhuần tư tưởng giáo dục mở của người sáng lập phải thông suốt tư tưởng: “Giáo dục là của mọi người, cho mọi người, mọi người bình đẳng trong giáo dục, được thừa hưởng những thành quả giáo dục và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng một nền giáo dục tiên tiến vì một Việt Nam phát triển”.
Tôi mong rằng tất cả các thành viên trong đại gia đình BDU phải luôn luôn nỗ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức, xứng đáng với nhiệm vụ mà xã hội trao cho mình: TRỒNG NGƯỜI, xứng đáng với danh xưng THẦY CÔ.
Cùng với tỉnh Bình Dương, Trường Đại học Bình Dương sẽ đưa thương hiệu Bình Dương vươn ra biển lớn xứng danh với những gì tiền nhân đã kỳ vọng vào những người trẻ hôm nay.
Bí thư Đảng ủy