Trong thiên Vệ Linh Công sách Luận ngữ, Khổng Tử đã dõng dạc tuyên bố với người đương thời và có lẽ là với cả lớp hậu sinh phương châm “tuyển sinh” của ông: “hữu giáo vô loại 有教無類”, tức là nguyên tắc nhận học trò của ông không hề phân biệt sang – hèn, ngu – trí. Ai tìm cầu đến ông để hiện thực hóa ước mơ học tập của đời mình đều được ông chấp nhận. Có thể nói, chỉ với bốn chữ “hữu giáo vô loại” Khổng Tử đã đẩy cánh cửa giáo dục rộng mở đến mức không còn đường biên giới nào cho sự tồn tại của một rào cản. Qua đó, ông tạo đường băng thênh thang cho tất cả những “chiếc máy bay” đang muốn lao vào khung trời học tập. Chính quan điểm “hữu giáo vô loại” của Khổng Tử đã đặt những viên gạch đầu tiên cho những người hành nghề dạy học ở thời đại ông tâm thế của một người thầy, một khi người học đã gõ cửa thì cho dù xuất thân của họ là hèn hay sang, dù thiên bẩm của họ là ngu hay trí thì người dạy học đều nên mở lòng thu nhận và tận lực hỗ trợ cho ước mơ ấy được thành tựu.
Tuy nhiên, bên cạnh lối tuyển sinh rộng cửa đến mức “muốn” là sẽ “được” học theo quan điểm “hữu giáo vô loại”, Khổng Tử lại cũng có yêu cầu ở người học để sau khi bước qua cánh cửa đầu vào sẽ phải dấn thân trên một hành trình hướng đến việc đảm bảo cho chất lượng đầu ra. Trong thiên Thuật Nhi sách Luận Ngữ, Khổng Tử từng đưa ra quan điểm về điều kiện và phương pháp giáo dục của mình với các môn đệ “bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát, cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã 不憤不啟,不悱不發,舉一隅不以三隅反,則不復也”. Qua đó chúng ta thấy, Khổng Tử cương quyết rằng, ông sẽ không gợi mở lối thoát cho người học trước một vấn đề nào đó nếu họ chưa thực sự ở vào trạng thái suy nghĩ “nát óc” mà chưa vỡ được vấn đề (phẫn 憤); ông cũng sẽ không khai thị cho họ nếu ông chưa nhận ra được rằng họ có đầu tư suy nghĩ, có ý nhưng chưa thể trình bày thật mạch lạc bằng ngôn từ của chính mình (phỉ 悱). Không những vậy, Khổng Tử còn phá bỏ sự giáo điều cứng nhắc trong việc dạy và học qua quan điểm “ta chỉ ra cho một mặt của vấn đề, nếu không trên cơ sở đó suy luận ra những mặt khác có liên đời thì ta sẽ không dạy nữa” (cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã). Rõ ràng, chuẩn đào tạo của Khổng Tử không hề dễ dàng như chuẩn “tuyển sinh” của ông, cánh cửa đầu ra sẽ vô cùng hẹp so với cánh cửa đầu vào, đó là sự sàng lọc để đảm bảo chất lượng trong quá trình dạy và học.
Cùng với việc mở rộng cánh cửa đầu vào, qua “cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” ta còn thấy được Khổng Tử cũng đã mở rộng khung trời tự do học thuật cho học trò mình. Nói khác đi, quan điểm “cử nhất phản tam” của Khổng Tử là lời minh cho những ai đã, đang và sẽ dấn thân trên con đường học vấn rằng việc học không phải chỉ đơn thuần là nghe và chỉ ghi nhớ lại toàn bộ những gì người dạy truyền đạt. Trái lại, người học luôn phải chuẩn bị cho mình một tâm lý và tâm thế chủ động dấn thân trong hoạt động dạy và học. Tức là, giờ học không phải chỉ bắt đầu khi tiếng chuông reo vào tiết và kết thúc khi chuông báo hết tiết mà nên hiểu rằng giờ học bắt đầu từ ý thức chuẩn bị bài cho buổi lên lớp và sự suy tư liên tục về vấn đề đã thu hoạch được trên lớp sau khi đã hết giờ học. Bên cạnh đó, mạch suy tư về một vấn đề được học sẽ không đóng khung trong phạm vi trình bày của người dạy, người học trên nền tảng tri thức tích lũy của bản thân và những tiếp cận đã chuẩn bị cho môn học, phải có những suy luận và những góc nhìn riêng của bản thân mình trên cơ sở tiếp thu trong tâm thế có phản biện bài giảng trên lớp, “cử nhất phản tam” là vậy.
Tuy nhiên, để người học có thể “phản tam” thì người giữ vai trò dạy học ắt phải hiểu rõ bản chất của hoạt động dạy. Nói như quan điểm của Jean Piaget, hoạt động dạy học không có nghĩa là áp đặt sự hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân của người dạy lên người học, chúng ta không thể tìm cách nhét lá vào miệng sâu để chúng thành bướm được. Muốn sâu thành được bướm, việc duy nhất người ta có thể làm là tạo ra môi trường lá đủ để sâu ăn mà hóa kén. Cũng vậy, công việc của người dạy không phải nhồi nhét kiến thức vào đầu người học như thể lập trình vào đầu một con robot và sau đó là kiểm tra lại độ ghi nhớ những gì mình nhồi nhét vào. Điều duy nhất mà người dạy cần làm là tạo ra môi trường đủ để người học dấn thân vào khám phá và tìm ra cho riêng mình câu trả lời, “cử nhất ngung dĩ tam ngung phản” trong một chừng mực nào đó có thể hiểu là như vậy. Và tất nhiên, dẫu “hữu giáo vô loại” nhưng nếu người học “bất dĩ tam ngung phản” khi thầy đã gợi ra cho một góc của vấn đề, Khổng Tử nói thẳng “ta không dạy nữa” (tắc bất phục dã). Khi ấy, không phải thầy từ chối trò mà là trò từ chối bước vào và tham gia hoạt động dạy và học tích cực, đúng nghĩa.
Tri thức cũng như kinh nghiệm trong quá khứ hiển nhiên không hoàn toàn có thể vận dụng vào cuộc sống hiện tại, bởi với những không gian và thời gian khác nhau mọi thứ sẽ đều có những độ lệch pha nhất định, thậm chí là không còn sử dụng được nữa. Song, cũng phải nhận thấy rằng, có không ít di sản tinh thần xa xưa trong quá khứ còn lưu lại được cho đến ngày nay bằng cách này hay cách khác, trong một chừng mực nào đó có đủ đầy uy tín và sự chuẩn xác trong việc cung cấp cho chúng ta một góc nhìn tham khảo. Nền giáo dục của chúng ta mấy mươi năm lại đây được không ít các nhà hoạt động giáo dục tâm huyết mổ xẻ, phân tích trên cơ sở tiếp thu, học tập kinh nghiệm giáo dục thế giới. Có quá nhiều bất cập trong hoạt động dạy và học mà theo các chuyên gia tâm huyết hàng đầu là cần phải nghiêm túc xem xét, điều chỉnh nếu không muốn ngược đường so với thế giới.
Dẫu rằng chúng ta vẫn đề xướng “lấy người học làm trung tâm” nhưng dường như cái “trung tâm” ấy chưa thực sự nắm vai trò trung tâm khi mà còn quá nhiều người chọn dấn thân vào con đường học tập chỉ để có một tấm bằng cho việc mưu cầu một công việc béo bỡ hơn là hướng vào tri thức. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo và cách quản lý đào tạo như một lưỡi dao cực bén sẵn sàng xén bỏ tất cả những ý tưởng nào có hơi hướm vươn ra khỏi một khuôn khổ đã được lập trình. Vậy nên ý niệm “lấy người học làm trung tâm” dường như vẫn chỉ đang là câu khẩu hiệu bỏ dở dang chưa được thực thi. Tệ hại hơn là, những người có liên đới cũng dường như chưa có ý định thực thi.
“Cử nhất ngung, bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã” là một quan điểm giáo dục xưa mà giá trị tham khảo của nó đến tận ngày nay vẫn có chỗ để người nay soi vào. Song song với việc đề cao nhân quyền, mở rộng và tạo mọi điều kiện để tất cả những ai mong muốn đều có được cơ hội để học tập, chúng ta vẫn phải luôn ý thức được rằng việc tạo cơ hội hoàn toàn không có nghĩa là nhắm mắt cấp bằng theo kiểu “sao cũng được”. Nếu đã chọn giải pháp mở rộng đầu vào làm ngọn cờ, chiêu bài cổ xúy cho việc thực thi quyền được học ở mọi con người thì việc đảm bảo chất lượng trong đào tạo lại là lời hứa, là trách nhiệm cao tột của những nhà làm giáo dục đối với sản phẩm giáo dục của mình khi cung ứng trở lại cho xã hội.
Hồng Hy
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn